Tìm hiểu chung về bệnh khiếm thính

Khiếm thính là gì? Đây là bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng nghe của một người. Điếc, mất thính lực là những tên gọi khác của tình trạng này.

Triệu chứng khiếm thính biểu hiện ở nhiều cấp độ từ nhẹ, trung bình, nặng đến rất nặng. Người khiếm thính thường gặp khó khăn trong việc nghe và hiểu lời nói của người khác, đặc biệt là khi xung quanh có nhiều tiếng ồn.

Trong khi đó, người bị điếc ở mức độ nhẹ đến trung bình cần đến máy trợ thính trong giao tiếp thường ngày. Người bị mất thính lực (điếc rất nặng) thường phải dựa vào khẩu hình của người khác khi trò chuyện. Nhiều trường hợp phải sử dụng ngôn ngữ ký hiệu riêng để giao tiếp với những người xung quanh.

Nguyên nhân gây khiếm thính

Một số bệnh lý hoặc điều kiện đặc biệt có tác động trực tiếp đến khả năng nghe của người bệnh. Chúng cũng là nguyên nhân gây khiếm thính phổ biến.

  • Bệnh thủy đậu
  • Nhiễm virus cự bào
  • Bệnh quai bị
  • Viêm màng não
  • Bệnh hồng cầu hình liềm
  • Bệnh giang mai
  • Bệnh lyme
  • Biến chứng bệnh tiểu đường
  • Suy giáp
  • Viêm khớp
  • Ung thư
  • Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Viêm tai giữa

Màng nhĩ của tai là một trong những bộ phận mỏng manh nhất trên cơ thể. Bất kỳ tổn thương nào xảy ra ở màng nhĩ cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nghe của bạn. Với những bệnh lý vừa nêu, nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng của chúng cũng có thể tác động đến thính lực của người bệnh theo nhiều cách.

Nguyên lý hoạt động của thính giác


Sóng âm truyền vào tai, di chuyển đến màng nhĩ khiến màng nhĩ rung lên. Các rung động này tiếp tục truyền đến xương chũm trong tai giữa. Tại đây, các rung động được khuyếch đại và được các tế bào tiếp nhận, chuyển dữ liệu đến dây thần kinh thính giác ở não. Bộ não xử lý những dữ liệu này để bạn nhận biết chính xác âm thanh mình nghe được.

Các cấp độ khiếm thính

Khiếm thính chia thành nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng. Trong đó có 3 nhóm cấp độ chính sau đây:

Giảm thính lực

Ở cấp độ này, người bệnh không có khả năng nghe bình thường như những người khác. Họ có xu hướng muốn tiếp nhận những loại âm thanh có âm lượng lớn hơn mức bình thường.

Điếc

Tình trạng này diễn tả một người không thể nghe được lời nói của người khác ngay cả khi âm thanh đã được khuếch đại.

Mất thính lực (điếc rất nặng)

Ở cấp độ khiếm thính này, người bệnh hoàn toàn không có khả năng nghe được âm thanh của cuộc sống. Hay nói cách khác, người khiếm thính ở cấp độ rất nặng không có năng lực phát hiện âm thanh.

Người khiếm thính và khả năng diễn đạt ngôn ngữ


Tùy và cấp độ khiếm thính mà khả năng nói của người bệnh cũng có những ảnh hưởng nhất định, cụ thể:

Khả năng diễn đạt ngôn ngữ của người điếc 

Trẻ bị điếc trước khi học nói hoặc hiểu lời nói của người khác sẽ bị hạn chế khả năng diễn đạt ngôn ngữ của bản thân.

Trong phần lớn các trường hợp bị điếc bẩm sinh, người khiếm thính có xu hướng phát triển ngôn ngữ chậm. Trong khi đó, lời nói và khả năng kết nối với những người xung quanh có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Đó là lý do tại sao trẻ bị điếc bẩm sinh không chỉ chậm phát triển ngôn ngữ mà còn chậm phát triển xã hội.

Vì thế, trẻ bị điếc bẩm sinh có nguy cơ bị cô lập về mặt xã hội, trừ khi chúng được sinh hoạt và học tập ở môi trường có những trẻ khiếm thính khác. Ở đó, trẻ được học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau và giao tiếp với mọi người xung quanh. Để trẻ ít cảm thấy mình bị cô lập, các chuyên gia khuyến khích cha mẹ và người thân trong gia đình cũng học thêm ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với trẻ.

Khả năng nói của người bị điếc sau ngôn ngữ


Điếc sau ngôn ngữ là thuật ngữ diễn tả tình trạng khiếm thính (giảm thính lực hoặc mất thính lực) sau khi có kỹ năng nói thành thạo. Thông thường, điếc sau ngôn ngữ xảy ra do chấn thương, nhiễm trùng hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc trị bệnh nào đó.

Người bị điếc sau ngôn ngữ sẽ bị mất thính lực dần dần. Những người xung quanh có thể nhận thấy tình trạng này trước khi người bệnh nhận ra khiếm khuyết của mình. Người bệnh thường cần phải sử dụng máy trợ thính, cấy ốc tai điện tử hoặc học cách đọc khẩu hình của người khác khi nói chuyện.

Người bị điếc sau ngôn ngữ phải đối mặt với nhiều thách thức. Tùy thuộc vào thời điểm xảy ra và tốc độ phát triển của bệnh, họ phải học ngôn ngữ ký hiệu, làm quen với thiết bị trợ thính hoặc học cách dùng các thiết bị giao tiếp khác nhau.

Người bị điếc sau ngôn ngữ cũng có thể cảm thấy mình bị cô lập. Khi khả năng nghe không chuẩn xác, khả năng diễn đạt lời nói của họ cũng sẽ bị hạn chế. Lâu dần, họ thấy căng thẳng và cô đơn. Tình trạng này cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức với những thành viên khác trong gia đình trong giao tiếp thường ngày.

Triệu chứng khiếm thính

Các triệu chính khiếm thính phụ thuộc vào nguyên nhân của nó. Như vậy, điếc bẩm sinh và điếc sau ngôn ngữ sẽ có những biểu hiện khác nhau và sẽ tiến triển theo thời gian.

Triệu chứng khiếm thính ở trẻ sơ sinh (điếc bẩm sinh)


Những dấu hiệu sau đây có thể là biểu hiện khiếm thính ở trẻ sơ sinh:

  • Trước 4 tháng tuổi, bé không quay đầu về phía có âm thanh đột ngột phát ra
  • Đến 12 tháng tuổi, bé vẫn chưa thốt ra từ nào
  • Trẻ không giật mình vì tiếng động lớn
  • Trẻ không có biểu hiện hồi đáp khi người giao tiếp với bé không nằm trong tầm nhìn của bé.

Triệu chứng điếc sau ngôn ngữ

  • Người bị điếc sau ngôn ngữ thường hỏi lại những lời nói của người khác khi giao tiếp
  • Nói lớn hơn hoặc có xu hướng tạo ra những tiếng động lớn hơn bình thường một cách tự nhiên
  • Trẻ bị điếc sau ngôn ngữ thường phát âm kém, không rõ ràng.

Chẩn đoán khiếm thính 

Nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc con của bạn có vấn đề bất ổn với thính giác, hãy đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ nói chuyện với người bệnh và đưa ra một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng đang mắc phải và thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc.

Những câu hỏi bác sĩ có thể đưa ra bao gồm:

  • Bạn có thường yêu cầu người khác nhắc lại những gì họ vừa nói hay không?
  • Bạn có thấy khó khăn khi giao tiếp qua điện thoại hay không?
  • Bạn có thường bỏ lỡ chuông cửa ở nhà riêng khi nó reo hay không?
  • Khi trò chuyện trực tiếp với mọi người, bạn có cần phải tập trung cao độ mới có thể nghe được những gì người khác nói hay không?
  • Bạn có hay bị ù tai hoặc nghe âm thanh lạ trong tai hay không?
  • Bạn có hay bị người khác phàn nàn vì nghe radio hoặc ti vi quá to không?
  • Môi trường sống và làm việc của bạn có quá ồn ào hay không?

Nếu đa số câu trả lời của bạn là có, bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành các thủ thuật kiểm tra khác chẩn đoán khiếm thính.

Kiểm tra thể chất

Bác sĩ sẽ dùng ống soi tai để xem xét vấn đề bên trong tai của bạn. Lúc này, có thể bác sĩ sẽ phát hiện một số tình trạng liên quan, bao gồm:

  • Tắc nghẽn ống tai do dị vật
  • Tổn thương màng nhĩ
  • Tích tụ ráy tai quá nhiều
  • Nhiễm trùng ống tai
  • Nhiễm trùng tai giữa
  • Có dịch trong ống tai
  • Thủng màng nhĩ

Xét nghiệm sàng lọc tổng quát

Khi làm xét nghiệm sàng lọc tổng quát, bác sĩ thường yêu cầu người bệnh che một tai và mô tả mức độ họ nghe được những từ được nói ở các mức âm lượng khác nhau. Nếu nghi ngờ bạn có vấn đề về thính giác, bạn sẽ được hướng dẫn khám chuyên sâu ở bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng để kết luận bạn có bị khiếm thính hay không.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra các lựa chọn điều trị hoặc giảm nhẹ triệu chứng phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân.

Như vậy, có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị khiếm thính. Người bệnh cần được bác sĩ kiểm tra để biết chính xác tình trạng và hướng khắc phục.

Bác sĩ Vũ Hải Long

Bài viết được trích từ nguồn: https://hellobacsi.com/chuyen-de/benh-tai-mui-hong/tim-hieu-chung-ve-benh-khiem-thinh/


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Kama Sutra là gì? Download sách Kama Sutra Việt Nam miễn phí | Tracuuthuoctay

Giao tiếp với người khiếm thính: Cần kiên nhẫn và đúng cách

Thuốc Isoflurane tác dụng, liều dùng, giá bao nhiêu? | Tracuuthuoctay